Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Lời tựa tập thơ Ký ức

Hoàng Văn Quang bút danh Mai Hồng đạt tên cho tập thơ đầu tay của mình là Ký ức (NXB Hội nhà văn 2008), chắc hẳn có hàm ý tỏ bày rằng phần trăm sự thật trong thơ mình rất cao, còn những yếu tố khác thuộc về trình độ văn học nghệ thuật thi ca có thể chưa tới tầm, nhưng đây là cái tâm, cái tình, là cái nỗi niềm gan ruột của tác giả- mong bạn đọc lượng thứ.
Thời trai trẻ ra đi từ xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, chính thức được nhập vào đội ngũ những người "Ăn cơm nhà nước- ở nhà công" từ tháng 5-1959, làm việc ở các cơ quan đơn vị: Cục địa chất Việt Nam, Bộ Tư Lệnh pháo binh 351, Viện quy hoạch thành phố Hà Nội... Đến nay đã qua ngưỡng tuổi "cổ lai hy" (sinh năm Mậu Dần 1938) mới gom nhặt những bài thơ - nhật ký viết rải rác trong cả đời học tập, công tác ở nhiều vùng miền in thành tập riêng
Chúng ta đều biết Ký ức là quá trình tâm lý phản ánh lại trong óc những hình ảnh của sự vật đã tri giác được hoặc những tư tưởng, tình cảm, hành động về những sự vật đó

Thơ Hoàng Văn Quang là vậy
Tác giả miêu tả phiên chợ Bộng ở quê hương Hà Tĩnh:
Tứ mùa chợ có trầu cau
Măng giang, mít, bưởi... mùa đâu cũng nhiều
Ớt hành, bánh tráng, hạt tiêu
Trưa rồi chợ vẫn có nhiều thiếu chi
                             (Cầu treo chợ Bộng)
Nhớ lại quãng thời gian cách đây đã hơn 40 năm khi lớp lớp thanh niên miền bắc sẵn sàng xếp bút nghiên bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, Hoàng Văn Quang có bài thơ dài "Lòng tôi" phác họa những kỷ niệm thời chiến gian khổ, những vui và lạc quan. Vui và lạc quan vì thế hệ con cháu Bác Hồ đã đi vào cuộc chiến đấu chính nghĩa với mục đích rõ ràng:
Cho dừa xanh lại thêm tươi
Cho ai lại nở nụ cười năm xưa
Cho tôi gặp Má đang chờ
Cho cầu chung nhịp hai bờ Hiền Lương
Cho Bắc Nam  đẹp phố phường
Cho cây trên dãy Trường Sơn một nhà
Cho đàn em nhỏ múa ca
Cho đời, đời lại nở hoa yêu đời
                                (Lòng tôi)
Đó là những rung động của tâm hồn, những ký ức của một thời trận mạc, những cảm xúc đa dạng, phong phú, lấp lánh hoài niệm về tình người, tình đời, có thể nói đọc những vần thơ mộc mạc chân thành ấy, ta thấy Hoàng Văn Quang làm thơ giản đơn, như việc người nông dân đang cày ruộng trên đồng, chợt ngước mắt lên gặp vầng mây ngũ sắc, họ sảng khoái reo lên, hát lên, thế là thành thơ
Vì điều kiện công tác phải sống xa quê, ít có thời gian quan tâm đến anh em họ hàng, tác giả áy náy, băn khoăn, giãi bày cùng chú ở quê:
Vì sao cháu ở đất này
Ấy vì công tác hàng ngày chú ơi
Cháu đâu còn tuổi thiếu thời
Mà không nghĩ đến những lời chú khuyên
Cháu đâu sống phải vì tiền
Mà vì tình nghĩa bốn bên mặn mà
                          (Thư gửi chú Hy)
Chính cái làng quê ấy tuy đâu đó vẫn còn nghèo khó nhưng đầy yêu thương, gắn bó ấy Hoàng Văn Quang đã lớn lên trong vòng tay âu yếm của mẹ. Mẹ đã về cõi riêng của mẹ
Tác giả thương nhớ mẹ khôn nguôi, mặc dù bây giờ tuổi đã cao rồi khi ốm đau vẫn mong có mẹ chăm sóc thuốc thang:
Giá lúc này được có mẹ bên tôi
Chăm sóc yêu thương như thời còn trẻ
Ở bên mẹ lúc nào tôi cũng bé
Giá lúc này được có mẹ bên tôi
                            (Giá có mẹ bên tôi)
Câu thơ gợi hình bóng thân thương đau đáu về người mẹ, những ký ức đằm sâu của thời còn trẻ dại đã cho Hoàng Văn Quang những vần thơ tự nhiên mà sâu sắc, hồn nhiên mà xoắn vào gan ruột người đồng cảm với thơ ông. Điều đó khẳng định rằng: những điều tốt đẹp, những con người nhân hậu trên đời dẫu sống có bị vùi lấp, quá cố thì trong tâm tưởng con người, họ vẫn còn sống , mãi mãi sống trong lòng những người thân yêu
Nhớ quê thương mẹ- những hình ảnh đã có một khoảng cách về không gian và thời gian. Tác giả Ký ức đã dành cho người ở cận kề - người vợ hiền hậu đảm đang một niềm yêu thương chân thành chu đáo, vừa rất đẹp vừa trọn vẹn từ trẻ đến già
Tình cảm này tác giả gửi vào bài "Mười hai gánh nước" lấy gợi ý từ tập "Mười hai bến nước" của Nguyễn Bính
Bài thơ vui, đằm thắm, thiết tha: 
Ngày xưa Nguyễn Bính làm thơ
"Mười hai bến nước" vẫn chưa nên tình
Ngày nay anh ở với mình
Mười hai gánh nước thắm tình sắt son
Gánh đầu ta tắm cho con
Gánh hai vấp ngã chỉ còn phần vơi
Gánh ba đủ tắm hai người
Gánh tư, năm, sáu, để nơi dự phòng
...
Còn hai gánh nữa là xong
Yêu em như rứa mặn nồng hay chưa
Tuổi xuân đi đón về đưa
Tuổi già cơm dẻo canh dưa đậm đà
Lon ton cháu gọi bằng bà
Còn anh, anh cứ gọi là bằng em
                         (Mười hai gánh nước)
Thật là lãng mạn, trẻ trung và tình tứ
Mở đầu tập Ký ức có bài thơ bốn câu gần như là một tuyên ngôn thơ, tôi xin trích dẫn bốn câu ấy để kết thúc bài viết này:
Những ai đã đến với nguồn thơ
Đừng lặng lẽ thờ ơ trong cuộc sống
Mài sắc bút cho tim người gió lộng
Cho tâm hồn bay bổng ở vần thơ
                           (Không đề)
Chúc cho hồn thơ Hoàng Văn Quang trẻ mãi không già để tác giả tiếp tục đi trên con đường thơ rộng dài phía trước.

Hà Nội, ngày Hoàng đạo 6-10 Mậu Tý 2008
Nhà thơ Bùi Đăng Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét